Trẻ lên ba thường có những biểu hiện khiến ba mẹ than phiền như: trở nên ngang bướng, không vâng lời, hay đòi hỏi và mè nheo với ba mẹ hoặc ném đồ đạc, đánh bạn, v.v… Vì thế, để giáo dục cho các bé trong lứa tuổi này, chúng ta cần hiểu được tâm lý của con. Dưới đây là những gợi ý giáo dục trẻ lên 3 của VAS – một trường mầm non quận Gò Vấp tại tphcm.
1. Vì sao trẻ lên 3 thường bướng bỉnh?
Thật ra, sự bướng bỉnh của trẻ không hoàn toàn là xấu. Khi bắt đầu nhận thức được về bản thân và thế giới xung quanh, trẻ sẽ tìm cách đối phó với những nguyên tắc và luật lệ của người lớn, để bảo vệ suy nghĩ của mình. Trẻ sẽ không thể khôn lớn nếu không có ý kiến, suy nghĩ, nhu cầu hay mong ước, nhờ đó trẻ mới có thể thoát ra khỏi cuộc sống phụ thuộc và rèn tính tự lập. Tuy nhiên, nếu những hành vi này vượt quá những giới hạn cho phép và vi phạm những quy tắc đạo đức, thì rất cần sự định hướng và uốn nắn kịp thời.
Trẻ muốn khẳng định cái tôi: Trẻ không muốn làm theo sự ra lệnh, chỉ bảo của người lớn và thường hay cố tình làm ngược lại để khẳng định mình đã lớn. Tuy nhiên, trẻ chưa phân biệt được đúng sai, năng lực và khả năng ngôn ngữ còn hạn chế. Đặc biệt, do thường bị người lớn cấm đoán nên nhu cầu độc lập của trẻ không được thỏa mãn, khiến trẻ có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ và hành vi chống đối.
Sức khỏe thể chất của trẻ: Trẻ trở nên cáu bẳn, ngang ngược và “làm mình làm mẩy” khi bệnh như cảm sốt, viêm họng, đau đầu, mệt mỏi… Khi nhận thấy dấu hiệu bướng bỉnh, bố mẹ nên lưu tâm vấn đề sức khỏe của bé. Tuy nhiên, không nên chiều theo tất cả những đòi hỏi vô lý của trẻ, không tạo cho con thói quen vòi vĩnh.
Trẻ lôi kéo sự chú ý: Một số bố mẹ vì công việc bận rộn nên ít quan tâm đến con; hoặc bố mẹ luôn trong trạng thái lo âu, căng thẳng sẽ khiến trẻ mất đi cảm giác “gắn bó an toàn”, luôn cảm thấy cô đơn, hụt hẫng và lo âu. Trẻ có những biểu hiện bứt rứt, khó chịu, hành vi cãi lại, chống đối để thu hút sự quan tâm của cha mẹ.
Cha mẹ quá chiều chuộng: Khi được chiều chuộng và bảo bọc quá mức, trẻ lên ba sẽ có những hành vi bướng bỉnh và chống đối. Không ít cha mẹ vì muốn đỡ mất thời gian nên chiều theo ý con cho “yên chuyện”, vì vậy hành vi bướng bỉnh của trẻ sẽ ngày càng gia tăng.
Trẻ bị áp đặt, la mắng: Luôn có mối liên hệ trực tiếp giữa cảm xúc và hành vi của một đứa trẻ. Khi bị áp đặt, đánh mắng, trẻ sẽ mang cảm xúc khó chịu, vì vậy sẽ cư xử cộc cằn và thô bạo. Trẻ thường xuyên bị đánh mắng sẽ bị tổn thương tâm lý nặng nề, trở nên ương bướng. Trẻ sẽ học theo cha mẹ thông qua “phản ứng gương soi”, vì thế sẽ có hành vi bạo lực với những thành viên khác nhỏ hơn.
>>> Tham khảo thêm: Trường mầm non quận Gò Vấp tốt nhất cho trẻ lên 3?
2. Ba mẹ nên làm thế nào khi trẻ bướng?
– Ngang ngạnh, chống đối: Rất nhiều bé ở độ tuổi này thích nói “không” và liên tục vi phạm những điều bị ngăn cấm. Vì vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần thiết lập những nguyên tắc trong gia đình, thống nhất với nhau điều gì bé có thể làm được, điều gì không được phép và luôn kiên quyết, dứt khoát với quy định đã đặt ra. Bên cạnh đó, cha mẹ cần nhất quán trong cách dạy con, tránh tình huống bố la mắng mà mẹ lại bênh vực, cùng một hành vi sai trái của con mà lúc chấp nhận, lúc khác lại phản đối.
– Khóc lóc, ăn vạ: Khi không đạt được điều mong muốn, bé phản kháng bằng cách ném đồ đạc, gào khóc, mè nheo, lăn ra ăn vạ, đập đầu… Bố mẹ càng dỗ dành thì bé càng ăn vạ, càng chú ý thì bé càng “làm tới”. Vì vậy, bố mẹ nên đánh lạc hướng trẻ bằng cách thu hút trẻ tham gia các hoạt động khác. Nếu bé vẫn gào khóc, bố mẹ có thể áp dụng “kỹ thuật phớt lờ”. Bố mẹ không nhìn trẻ mà chăm chú vào công việc khác. Dần dần trẻ sẽ nhận thức được rằng việc “ăn vạ” không có tác dụng và sẽ không khóc lóc, mè nheo nữa.
– Làm trái: Trường hợp trẻ thích làm trái ý, cha mẹ có thể vận dụng “chiêu” tương tự như của bé. Ví dụ: bé liên tục kéo ghế qua lại gây tiếng ồn, mặc dù rất bực bội, nhưng cha mẹ nên tỏ ra vui vẻ, yêu cầu bé tiếp tục kéo ghế nhiều hơn nữa. Lúc đó bé sẽ không còn cảm thấy hào hứng với trò phá phách của mình nữa và sẽ dừng lại.
– Không chịu thực hiện yêu cầu của bố mẹ: Thay vì ra lệnh, bắt bé phải làm theo ý mình, cha mẹ hãy khéo léo cho bé quyền lựa chọn. Chẳng hạn: “Con muốn uống một ly sữa hay nửa ly sữa”, “Con muốn mặc bộ quần áo xanh hay màu đỏ?”. Khi được quyền tự chọn, bé sẽ cảm thấy vui vẻ và hài lòng.
– Đòi làm mọi việc: Khi lên ba, trẻ bắt đầu ý thức về khả năng của mình và nảy sinh nguyện vọng tự làm mọi việc, muốn chứng tỏ mình có thể làm được. Đây là cơ hội rất tốt để khuyến khích trẻ tự lập bằng cách để trẻ tự mặc quần áo, tự xúc ăn, tham gia phụ giúp việc nhà theo khả năng của bé, như lấy rổ rá cho mẹ, giúp mẹ nhặt rau, lấy nước cho bố… Với sự định hướng của cha mẹ, dần dần bé sẽ ngày càng làm tốt hơn công việc được giao và sẽ hình thành thói quen tự lập. Việc phân tích đúng sai của người lớn – không phải đứa trẻ nào cũng ngay lập tức chấp nhận, vì vậy phụ huynh cần phải kiên nhẫn và nghiêm khắc, đồng thời cho bé thời gian để bé hiểu đó là những điều không được phép làm.
– Đòi mua đồ chơi: Trẻ ở độ tuổi này có xu hướng đòi mua những món đồ mà trẻ thích, tuy nhiên nếu luôn đáp ứng thì trẻ mặc nhiên nghĩ rằng cứ đòi là sẽ được, nếu không được sẽ tiếp tục “làm mình làm mẩy” cho đến khi được đáp ứng. Vì vậy bố mẹ cần có thái độ dứt khoát. Nếu đó là những món đồ hợp lý, có thể khuyến khích con tích lũy điểm thưởng mỗi ngày khi có hành vi tốt để đổi món đồ trẻ thích. Cứ như vậy, bé sẽ hiểu lý lẽ, đồng thời bé sẽ biết trân trọng món quà có được nhờ sự đã cố gắng từ chính bản thân mình.
– Vô lễ với người lớn: Khi không hài lòng, có khi bé cãi lại, nói tục, giơ tay đánh, cào hoặc nói vô lễ với người lớn. Trước hết, cha mẹ phải hết sức bình tĩnh, không nên đánh mắng bé. Cần bày tỏ thái độ nghiêm khắc, yêu cầu trẻ dừng hành vi. Có thể xử phạt bằng cách không cho trẻ đi chơi hoặc không kể chuyện cho trẻ nghe. Yêu thương nhưng nghiêm khắc, luôn nhất quán trong cách dạy con là cách bố mẹ giúp con dần hạn chế hành vi vô lễ.
– Mong muốn sở hữu: Trẻ lên ba thường muốn mọi thứ xung quanh thuộc về mình, cái gì cũng cho là “của con”, không cho ai đụng vào, và không muốn ai gần gũi người mà bé gắn bó. Phụ huynh cần nhẹ nhàng và kiên nhẫn giải thích cho bé hiểu cái nào là của bé, cái nào là của bạn, cái nào là của chung… Quan trọng hơn hết cha mẹ phải xây dựng mối quan hệ “gắn bó an toàn” để con an tâm, tin tưởng, đồng thời làm gương cho con thông qua sự quan tâm đến những người xung quanh, tạo cơ hội để con hướng đến với những hoạt động chia sẻ.
Không phải đứa trẻ nào cũng trải qua khủng hoảng tuổi lên ba. Có một số trẻ bước vào năm thứ ba của cuộc đời một cách êm đềm, phẳng lặng. Điều này phụ thuộc vào cảm xúc, tính cách của từng trẻ, bởi vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt. Yêu thương nhưng nghiêm khắc, đặt cho con những giới hạn cần thiết là cách giúp con phát triển được sự tự lập, tự tin và luôn có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Mong rằng những thông tin trên do VAS chia sẻ sẽ mang đến những kinh nghiệm và những điều thú vị cho việc giáo dục các bé. Ngoài ra, phụ huynh có thể tham khảo thêm tại đây những thông tin khác về trẻ mầm non nhé!